
Đồng hồ chậm rãi nhích, đã gần 7 giờ tối, giờ mà đa số mọi người đã ra về! Tôi và anh ngồi cạnh nhau ngắm nhìn thành phố về đêm từ tầng 10 của toà nhà Sài Gòn Centre.
Trước mắt chúng tôi là toà nhà Bitexco Finance sừng sững, một trong những biểu tượng của thành phố Sài Gòn. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Sài Gòn trước mắt tôi thật đẹp, thật bình yên. Khẽ nhìn anh ấy đang ngồi cạnh, trò chuyện với anh và tôi thầm nghĩ, có lẽ chặng đường mà anh đã từng đi qua, chắc chắn cũng biết bao thăng trầm! Phải không anh?
Anh bắt đầu câu chuyện giữa chúng tôi với chia sẻ về con đường đến với nghề lập trình của bản thân. Anh vốn xuất thân từ một gia đình khá giả. Như bao người khác, tốt nghiệp xong cấp 3, anh khăn gói lên Sài Gòn để học kĩ sư xây dựng.
Hết năm nhất, cảm thấy bản thân không phù hợp, anh quyết định bỏ dở chương trình và thi lại vào một trường IT. Đó là lần đầu tiên anh gặp gỡ với người bạn mang tên: Lập trình.
Thế nhưng, nếu cuộc sống quá dễ dàng, bạn sẽ dễ sa ngã. Và điều đó đã trở thành sự thật. Sau một năm rưỡi theo học, anh bắt đầu bỏ bê việc học vì mê chơi game.
Anh chia sẻ thời gian đó anh bị nghiện game, điều này khiến việc học của anh sa sút, anh sợ phải đi học, phải đến trường. Với anh, đó chính là những ngày tháng trượt dốc không phanh, những tháng năm "dữ dội" của tuổi trẻ mà đến tận bây giờ anh vẫn tự nhắc nhớ bản thân không bao giờ được quên.
Những tưởng cuộc sống và tương lai sẽ trôi tuột như con tàu mất lái ấy thì một biến cố lớn đã xảy đến. Ngừng lại một chút, ngước nhìn lên bầu trời, đôi mắt anh rưng rưng, anh nói rất nhẹ nhàng: "Ba anh mất!"
"Ba anh mất do tai nạn, mẹ anh cũng bị bệnh tim và phải nhập viện, tài sản gia đình phải bán hết để lo cho mẹ và cho 6 anh em của anh ăn học". Những biến cố của cuộc đời thường đi kèm với những bước ngoặc. Hoặc bạn sẽ mãi mãi không đứng lên được, hoặc bạn sẽ vững vàng hơn. Khi người đàn ông trụ cột trong gia đình không còn nữa, cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy trách nhiệm đối với tương lai mẹ và em...
Anh, từ một chàng trai đang được gia đình chu cấp đầy đủ, phải nghỉ học để trở thành một anh công nhân. Năm ấy là năm 2008, chàng trai sinh viên quen sống thoải mái đã biết thế nào là lao động, là kiếm cơm từ chính đôi bàn tay của mình và để nuôi người em trai anh ăn học tiếp.

Anh chia sẻ với vẻ tự hào: "Em trai anh học rất giỏi, vì thế bằng mọi giá anh phải lo cho em ăn học tới nơi tới chốn." Không phụ lòng, em trai anh ra trường và có một công việc với mức thu nhập khá, anh quay lại trường dưới sự ủng hộ của em trai.
Anh quay lại trường với một khát khao cháy bỏng. "Được đi học sau bao ngày tháng đi làm, nó sướng lắm em ơi!" Qua đôi mắt anh, tôi như thể được biết rằng kể từ giây phút đó, ở nơi đô hội náo nhiệt Sài Gòn sắp sửa mọc lên một toà tháp chọc trời. Chỉ cần bạn không đánh mất hy vọng, bạn sẽ không gục ngã! Đúng không anh?
Đi học lại, nghĩ thì rất đơn giản nhưng để thực hiện được và đi hết con đường cần một nghị lực rất lớn. Tôi từng biết một trường hợp tương tự, sau 2 năm thì người ta bỏ cuộc vì không chịu được áp lực khi phải học cùng những người trẻ hơn và vì những khó khăn về tài chính.
Những tháng ngày của chàng "sinh viên quá lứa" cũng như thế, nhiều lúc anh ao ước có đủ tiền để mua được tập vé xe buýt tháng, ao ước có được bữa ăn sáng để bụng không đói mỗi khi đi tập võ. Anh mê võ, mê võ lắm nên trường mở câu lạc bộ là anh đăng kí tham gia ngay.
Khó khăn chẳng thiếu nhưng anh cũng nỗ lực không ngừng. Cuối cùng, anh cũng ra trường.