Trước hết, hãy giới thiệu bản thân bạn một cách ngắn gọn.

Mình tên là Phan Hoàng Minh, đến từ Hà Nội. Trước đây mình có 4 năm học đại học ở Nhật, sau đó làm việc 4 năm ở Hà Nội, 2 năm ở Tokyo và ở Hồ Chí Minh đến nay là 1 năm rưỡi.

Ồ, vậy giữa Hà Nội, Hồ Chí Minh và Tokyo thì bạn thích nơi nào nhất?

Nơi nào mình cũng thích. Có thể coi Hà Nội là chị gái, Tokyo là anh trai còn Sài Gòn là... bạn gái (cười).

Như vậy là Minh ở Nhật tổng cộng khoảng 6 năm tính cả đi học và đi làm, bạn có thể cho biết lí do trước đây sang Nhật du học được không?

Từ bé mình đã thích subculture của Nhật qua việc đọc manga, chơi game nên mình rất muốn đến Nhật vào một ngày nào đó.

Manga thì mình thích đọc những bộ tiêu biểu và tươi sáng như Dragon Ball, Captain Tsubasa, Doraemon... và cả những bộ manga ít được biết đến, miêu tả về nhiều mặt trong đời sống xã hội Nhật Bản nữa.

Ngoài ra, mình rất thích chơi điện tử, nhưng nhiều máy game hồi xưa khá mắc nên mình hay trốn bố mẹ ra hàng game chơi. Thực sự là mình đã đổ khá nhiều tiền của gia đình vào đó (cười). Riêng cái máy chơi game 4 nút thì mình được bố mua cho, khi đó mừng quá trời.

Subculture của Nhật thật sự là rất rộng lớn và từ nay về sau mình sẽ còn tìm hiểu nhiều.

Thời sinh viên bạn học chuyên ngành nào?

Sau khi học xong năm đầu ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, mình nhận được học bổng qua Nhật du học ngành Điện tử thông tin (học về vi mạch, hệ thống nhúng). Khi đó mình chọn ngành này đơn giản vì nghĩ đó là một ngành phát triển ở Nhật. Ngoài ra, tư tưởng "con trai phải học kĩ thuật" của Việt Nam trước đây cũng ngấm trong đầu mình khá nặng (cười).

Trường đại học của mình có chương trình học tiếng Nhật, việc học ở đó đã cho mình biết đến niềm vui khi dùng tiếng Nhật và thêm yêu mến đất nước mặt trời mọc.

Sau khi tốt nghiệp, bạn đã làm việc ở công ty nào?

Sau khi tốt nghiệp mình về Hà Nội và làm cho một công ty phát triển phần mềm, khi ấy vẫn còn là một công ty nhỏ. Dù mình chưa có kinh nghiệm, họ vẫn trao cho mình cơ hội làm ở vị trí Kĩ sư cầu nối (Bridge system engineer), kết nối phía Việt Nam và Nhật Bản. Từ sau đó, mình vẫn liên tục làm việc ở vị trí này.

Tại sao bạn lại chọn một chuyên ngành khác với chuyên ngành ở trường đại học?

Khi đó các công ty phần mềm ở Việt Nam đang phát triển mạnh, số lượng các công ty Nhật làm về chuyên ngành này ở Việt Nam cũng gia tăng. Được làm việc trong một ngành đang phát triển, lại ở vị trí kết nối Việt Nam và Nhật Bản là lí do lớn khiến mình lựa chọn ngành này. Ngoài ra, mình còn nghĩ là những kiến thức lập trình đã học ở trường có thể được áp dụng. Tuy nhiên, thực tế là sau khi đi làm, mình hầu như luôn phải học thêm về mọi thứ.

Tại sao bạn quay lại Nhật sau 4 năm làm việc ở Hà Nội?

Mình đã có một giai đoạn khá dài làm BrSE ở Hà Nội. Trong quá trình làm việc, mình bắt đầu nghĩ rằng nếu có thể làm việc ở Nhật một thời gian thì sẽ tốt hơn cho công việc hiện tại.

Trước đây, có một khách hàng mình khá thân, chuyện gì cũng có thể nói được. Khi đó, mình nghĩ là đã tạo được một mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, về sau họ có phản hồi là do mình "thân quá" nên công việc bị "xem nhẹ" hơn trước, khiến mình khá là shock. Ở thời điểm đó, mình bắt đầu nhận ra là bản thân chưa thật sự hiểu được những gì phía Nhật xem trọng.

Ngoài ra, trong một vài lần xảy ra vấn đề nghiêm trọng, phía Việt Nam có họp nhau lại để bàn bạc. Tuy nhiên, khá nhiều lần mình cảm thấy không có được cách giải quyết về mặt bản chất sau những buổi họp đó. Trong khi đó, phía Nhật thì lại có.

Mình cảm thấy nếu có thể làm việc trực tiếp tại Nhật thì sẽ hiểu ra thêm về cách suy nghĩ và những gì họ trân trọng, và sẽ "xây" được những chiếc cầu nối tốt hơn giữa 2 bên, vì thế mình quyết định quay lại Nhật làm việc.

Làm việc ở Nhật có khó khăn không? Những điều gì bạn đã học được khi làm việc tại Nhật?

Thực tế là có nhiều khó khăn, vất vả nhưng do mình học được nhiều điều, nên không cảm thấy đó là khổ.

Công ty trước đây của mình có những người cấp trên và đồng nghiệp rất tốt, họ dành thời gian để dạy cho mình về cách làm việc và những gì cần chú ý khi đi làm trong công ty Nhật. Thậm chí mình còn được luyện tập thêm các kĩ năng như thuyết trình, hay cách suy nghĩ để hiểu nhanh về một vấn đề. Thật sự mình rất biết ơn họ.

Sau quá trình đó, cách suy nghĩ của mình về mọi thứ trong công việc đã thay đổi nhiều. Thậm chí, mình cảm thấy bản thân gần như đã trở thành một con người khác.

Sau khi làm việc ở Nhật, lí do nào khiến bạn quyết định về Hồ Chí Minh và gia nhập TBV?

Thực tế là khi đó không chỉ có TPHCM, mình còn tìm hiểu các công ty ở Hà Nội và Nhật nữa. Đối với TBV, mình cảm thấy công ty có ý muốn tham gia nhiều hơn vào các công việc ở tầng trên dự án, để đến cuối cùng trực tiếp mang lại giá trị cho end-user, nên mình đã quyết định gia nhập.

Đối với một công ty phát triển phần mềm cho thị trường Nhật ở Việt Nam, mình biết để làm được vậy là điều không đơn giản. Tuy nhiên, mình cảm nhận được là TBV có quyết tâm thực sự.

Ngoài ra, TBV có một điểm đặc biệt đó là sự hỗ trợ của công ty mẹ Yahoo! JAPAN (YJ), một "siêu cường" về dịch vụ IT của Nhật nên mình càng tin là có cơ sở để thực hiện điều đó.

Bạn có thể cho biết về vai trò sau khi gia nhập TBV?

Tại TBV, mình tiếp tục đảm nhận vị trí BrSE, thực hiện các công việc như trao đổi với công ty mẹ là Yahoo! JAPAN, quản lí yêu cầu, tạo tài liệu mô tả dự án và hỗ trợ cải thiện việc vận hành team.

Sau khi gia nhập, mình được phụ trách dự án Yahoo! Auction - dịch vụ về đấu giá có quy mô lớn nhất tại Nhật.

Một hệ thống lớn như Auction thì tất nhiên phía YJ yêu cầu về mặt chất lượng rất cao ngay cả đối với từng chức năng nhỏ. Ngoài ra, không chỉ về phát triển chức năng mà cả về team performance hay quản lí team, kì vọng đối với development team đều rất lớn.

Ở Auction, chỉ riêng việc đáp ứng yêu cầu về schedule và chất lượng của YJ cho các task đang chạy hiện tại đã là điều không đơn giản. Khi mới vào dự án, mình đã phải "hết hơi" để chạy theo luồng công việc của mọi người. Tuy nhiên, mình vẫn luôn ý thức được rằng team không thể cứ mãi cuốn vào vòng xoáy đó, nên đã dùng một chút "hơi tàn" để cùng mọi người tìm cách mở rộng phạm vi công việc. Điều này cũng may mắn nhận được sự đồng tình và giúp đỡ rất lớn từ phía YJ.

Cuối cùng, trải qua bao nhiêu khó khăn khi vừa phải đảm bảo công việc đang làm với schedule thắt chặt, vừa phải tích lũy know-how, vừa phải cải thiện operation để mở rộng, và sau nhiều buổi KPT nội bộ "nảy lửa", team đã đủ khả năng tự giải quyết rất nhiều vấn đề, tự định nghĩa được yêu cầu từ một request đơn giản của YJ và có thể liên tục đề xuất cách làm việc với YJ sao cho nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.

Từ ngày mình "chân ướt chân ráo" trước một núi kiến thức về YJ và TBV, các đồng nghiệp trong team Auction đã luôn thấu hiểu những nguyện vọng và hỗ trợ mình rất nhiều về mọi mặt. Họ thực sự là những người tài giỏi mà mình ngưỡng mộ cả trong công việc lẫn ngoài đời.

Việc được phụ trách Auction ngay sau khi vào công ty đối với mình thực sự là một điều may mắn.

Đó là dự án bạn đảm nhiệm sau khi gia nhập, còn hiện tại thì sao?

Sau khi phụ trách Auction khoảng 1 năm, mình đã chuyển qua phụ trách dự án phát triển Daily report tool cho nội bộ YJ. Đây là dự án mà TBV đặt mục tiêu nhận toàn bộ công việc bao gồm planning, requirement definition, develop, release và operate. Đây cũng là kiểu dự án mình muốn thử thách, từ khi quyết định gia nhập TBV.

Mục tiêu của bạn đối với dự án Daily Report?

Mình mong muốn sẽ cùng team release được một tool Daily report tốt và tiện lợi cho người dùng cuối. Tuy nhiên, để làm được vậy, vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt.

Team sẽ cùng nhau làm tốt từng chức năng một để xây dựng quan hệ tin cậy với phòng information system của YJ, đồng thời vẫn cố gắng bước từng chút một đến hình ảnh của một team user-first.

Cho dù không có lượng user khổng lồ như các media service của YJ, nhưng đây vẫn là một tool nội bộ quan trọng mà các nhân viên của toàn YJ đang sử dụng hàng ngày. Mình rất muốn cùng team tạo ra giá trị, đem lại một chút niềm vui nào đó cho họ với dự án này.

Bạn xem trọng điều gì nhất trong công việc?

Điều mình xem trọng nhất là WHY (tại sao). Theo quan điểm cá nhân mình, con người nếu thực sự nỗ lực thì hầu như sẽ có được thứ mình muốn. Tuy nhiên, việc tìm được lí do để nỗ lực mới là điều không dễ dàng. Không có lí do, thì sẽ không có nỗ lực.

Chẳng hạn, khi đã tham gia vào dự án thì cần phải nắm được các bên liên quan (YJ, TBV, các member trong team) mong muốn điều gì từ dự án. Có được câu trả lời thỏa đáng, tự mình thấm thía được nó và từ đó đưa ra các hành động thích hợp là điều mình nghĩ hết sức quan trọng.

Làm BrSE, mình nghĩ rất dễ bị cuốn vào lối suy nghĩ chỉ cần làm hài lòng phía đang chi tiền là khách hàng, đối tác là được. Tất nhiên việc đó là quan trọng bậc nhất, nhưng việc hiểu và đáp ứng mong muốn của member cũng quan trọng tương đương. "Bridge" theo mình là công việc có ý nghĩa như vậy, kết nối 2 phía với khoảng cách địa lí xa xôi và những mong muốn khác nhau, và hỗ trợ họ đạt được những mục đích của mình.

Thậm chí trong một số tình huống, có thể tự hỏi mình đến 3 câu hỏi tại sao (3 WHY) để tìm ra bản chất, hoặc hiểu một vấn đề. Lúc đầu, suy nghĩ theo cách đó có thể khá tốn công sức nhưng khi đã quen rồi, mình tin chiều sâu về kiến thức và kinh nghiệm của mỗi cá nhân và cả tập thể sẽ tăng lên rất nhiều.

Cuối cùng, bạn có thể cho biết những điều hấp dẫn khi làm việc tại TBV không?

Điều mình thấy hấp dẫn nhất là TBV ưu tiên mở rộng phạm vi công việc của mình. Đồng nghĩa, công ty muốn làm được nhiều thứ hơn, so với làm đi làm lại một thứ nhiều lần. TBV muốn san lấp khoảng cách với phía Nhật về tất cả các mặt từ user mind, kĩ thuật đến communication. Mình thấy điều đó là đúng đắn, vì đó là con đường nhanh nhất khiến giá trị của engineer phía Việt Nam tăng lên.

Bên cạnh đó, việc công ty có sự đầu tư lớn vào các mặt process, security và training để xây dựng một cơ sở vững chắc cũng rất tuyệt vời. Mình luôn cảm thấy một môi trường mà "có thể tự do làm mọi thứ" chưa hẳn đã là một môi trường tốt, việc "có những thứ sẽ không thể làm tự do" mình nghĩ cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của các member.

Ngoài ra, trong công ty có rất nhiều người tài giỏi và làm việc với tinh thần rất cao. TBV là một môi trường mà các member luôn tự lập trong công việc nhưng vẫn đảm bảo về team work, khả năng về kĩ thuật rất cao và support lẫn nhau rất nhiệt tình.

Mình còn cảm thấy không khí trong công ty luôn rất "sáng". Không biết là do ánh sáng tốt (văn phòng TBV được thiết kế rất đẹp), hay do hầu hết mọi người đều rất thân thiện và vui tính. Chắc là do cả 2 (cười).

Cuối cùng, TBV rất coi trọng sự cân bằng trong công việc và cuộc sống của member. Chủ trương của công ty là ưu tiên làm việc một cách hiệu quả, không OT, và điều này được thực hiện rất triệt để. Đối với người ngoài có thể hơi khó hình dung, nhưng đây là một đặc trưng rất tuyệt vời của TBV mà mình nghĩ mọi người nên thử.

  • Hình Ảnh: Camera Team
  • Thiết Kế: Loan Pham

2020/05/21