Giới thiệu COMTOR ở Techbase Việt Nam

June 23, 2017

Việc mở rộng mối quan hệ hợp tác Việt – Nhật và những chính sách mở đang lôi cuốn ngày càng nhiều vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, đem đến nhiều cơ hội việc làm cho dân công nghệ thông tin (CNTT), bên cạnh đó là sự ra đời của một nghề mới – COMTOR.

Ở Techbase Việt Nam (TBV) cũng vậy, vị trí COMTOR đóng vai trò quan trọng trong công việc và sự phát triển của công ty. Chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về COMTOR ở TBV!


COMTOR là gì? Có vai trò như thế nào?

Một nghề được biết đến trong lĩnh vực CNTT nhưng lại hoàn toàn không phải là lập trình (Developer). COMTOR là chữ viết tắt của Communicator – người truyền đạt – là cầu nối về thông tin, giúp trao đổi giữa khách hàng và đội ngũ dự án.

Công việc đầu tiên mà họ đảm nhận là biên dịch các tài liệu mô tả dự án từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Tiếp đó, trong suốt quá trình phát triển dự án, COMTOR là người hỗ trợ về mặt ngôn ngữ cho việc liên lạc thông suốt giữa khách hàng và các lập trình viên. Việc liên lạc này có thể là thông dịch trong các buổi họp, hoặc thông qua email, chat,... Ngoài ra, COMTOR cũng có thể kiêm thêm công việc kiểm thử các phần mềm có giao diện tiếng Nhật. Không chỉ vậy, COMTOR còn là cầu nối về văn hóa, là người thấu hiểu nhất “tâm tư, tình cảm” của cả hai phía, từ đó khéo léo truyền tải để dung hoà và tạo sự gắn kết từ hai bên.


COMTOR học hỏi được gì trong môi trường CNTT?

Làm một COMTOR tại TBV, các bạn có cơ hội được tiếp xúc với các kỹ sư công nghệ thông tin thông minh, không khô khan mà rất hài hước, vui tính, từ đó học hỏi thêm kiến thức chuyên ngành Công nghệ thông tin và kiến thức lập trình từ nhóm lập trình viên Việt Nam. Vì thường xuyên liên lạc với các đối tác Nhật nên các bạn COMTOR có thể liên tục vận dụng và rèn luyện được cả 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết. Ngoài ra, tất nhiên là có thể nâng cao các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý, bao quát công việc, khả năng truyền tải thông tin...


Những khó khăn trong nghề không phải ai cũng hiểu ...

Không có một nghề nào là đơn giản và không áp lực, COMTOR cũng vậy. Áp lực lớn nhất mà các COMTOR phải đối mặt là độ chính xác và áp lực thời gian.

Như vậy, sự xuất hiện của COMTOR gần như là thường xuyên trong quy trình thực hiện một dự án phần mềm với đối tác Nhật. Tốc độ dịch và độ chính xác trong quá trình dịch của COMTOR có tầm quan trọng rất lớn trong toàn bộ dự án.

Ngoài yêu cầu về việc truyền tải chính xác về nội dung để các lập trình viên có nắm bắt được chính xác yêu cầu của khách hàng hay không thì thời gian cũng là một áp lực lớn cho các COMTOR. Dự án được bắt đầu sớm hay muộn, có hoàn thành đúng tiến độ hay không ... chính là nhờ vào sự nổ lực và tinh thần làm việc của các COMTOR trong dự án.


COMTOR có hướng phát triển nào không?

Không có con đường thành công nào chỉ có hoa hồng. Nghề Comtor cũng vậy. Có vô vàn niềm vui đang chờ đón những ai có ý định trở thành một COMTOR, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những trở ngại – chính điều này đã góp phần tạo nên sự thú vị trong công việc của một COMTOR.

Đối với những COMTOR có hứng thú làm trong ngành IT hoặc đã có nền tảng IT cộng thêm sự cố gắng học không ngừng nghỉ về IT thì sẽ có ngày COMTOR có thể phát triển thêm một bậc thành Kỹ sư cầu nối - Bridge System Engineer (BrSE), Leader, ngay cả là Project Manager. Sẽ là một câu chuyện khác và được trình bày chi tiết hơn trong một ngày đẹp trời khác.


Thay cho lời kết...

Đối với ngành nghề nào cũng vậy, luôn cần làm việc có tâm và làm việc hết mình. Chính điều đó sẽ giúp chúng ta tìm thấy được niềm vui và nhiệt huyết trong công việc. Điều quan trọng nhất là bạn làm mọi thứ với niềm đam mê và luôn duy trì niềm đam mê ấy đến cuối cùng.