Chia sẻ trải nghiệm: từ SINH VIÊN trở thành LẬP TRÌNH VIÊN

August 20, 2020

from-student-to-developer-august-2020

Đối với một sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường, con đường bước vào đời hẳn không hề dễ dàng. Mặc dù trường học đã trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích, nhưng có những điều chúng ta chỉ có thể vỡ ra được khi bắt đầu công việc thực sự trong môi trường công sở.

Từng là một sinh viên thực tập tại TBV, sau khi tốt nghiệp, bạn Nguyễn Kiến Tường đã quyết định trở thành nhân viên chính thức và gắn bó lâu dài với công ty. Đến thời điểm này, Tường đã có tám tháng trải nghiệm ở ví trí lập trình viên Mobile App và đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm thú vị.

Mùa hè đã tới, đồng nghĩa với việc kỳ thực tập của các bạn sinh viên IT năm ba đã bắt đầu. Cũng như mọi năm, những ngày gần đây, không khí tại TBV lại trở nên mới mẻ và rộn ràng hơn nhờ gương mặt của các bạn sinh viên IT tham gia chương trình thực tập. Với tư cách một người đi trước không lâu, cảm xúc về những ngày đầu đi làm vẫn còn rất rõ ràng trong trí nhớ, Tường sẵn sàng chia sẻ những điều mà bạn đã học và rút ra được trong quá trình làm việc!

Hãy đọc và chia sẻ những trải nghiệm của bản thân các bạn với Tường và với cả TBV nữa, bạn nhé!

TÁM ĐIỀU NÊN NHỚ KHI BẮT ĐẦU TRỞ THÀNH LẬP TRÌNH VIÊN

HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC MỘT CÁCH CẨN THẬN VÀ ÍT SAI SÓT

Sau khi hoàn thành công việc, đảm bảo bạn đã kiểm tra mọi thứ thật cẩn thận. Nếu đã kiểm tra rồi, hãy kiểm tra lại thêm một lần nữa. Cẩn thận, chậm mà chắc. Như một chị đồng nghiệp từng nói với mình rằng: “Khi mới bắt đầu, việc hoàn thành công việc một cách cẩn thận và ít sai sót sẽ tạo ấn tượng tốt hơn là hoàn thành nhanh nhưng lại có nhiều sai sót”.

ĐỪNG NGẠI ĐẶT CÂU HỎI

Cái gì không biết thì nên hỏi. Cái gì không chắc chắn cũng nên hỏi luôn. Người Việt Nam thường có tâm lý ngại đặt câu hỏi, nhất là những bạn học sinh, sinh viên. "Chưa biết" không có nghĩa là không giỏi bằng người khác. Không học hỏi mới chính là nguyên nhân khiến bản thân chậm tiến bộ hơn mọi người. Tuy nhiên, trước khi hỏi ai đó về một vấn đề, hãy đảm bảo bản thân mình đã tìm hiểu trước về vấn đề đó. Để tránh việc lãng phí thời gian, khi hỏi cần trình bày rõ vấn đề và các giải pháp đã thử.

GHI CHÚ LẠI NHỮNG CÔNG VIỆC QUAN TRỌNG

Nếu không thể ghi nhớ tất cả những việc cần làm, tốt nhất nên ghi chú lại bằng giấy ghi chú hoặc ứng dụng Sticky Notes trên máy tính. Mình thường sử dụng giấy để ghi lại những công việc quan trọng có deadline đang thực hiện giữa chừng và sử dụng ứng dụng Sticky Notes để ghi chú checklist, đường dẫn đến những tài liệu quan trọng...

from-student-to-developer-august-2020

TRUYỀN ĐẠT THÔNG TIN CHÍNH XÁC KHI GIAO TIẾP

Giao tiếp rất quan trọng, giao tiếp hiệu quả càng quan trọng hơn. Truyền đạt thông tin chính xác và đúng lúc sẽ đem lại hiệu quả làm việc cao, đặc biệt là trong môi trường đòi hỏi teamwork.

TRAU DỒI TIẾNG ANH

Cần biết tiếng Anh ở một mức độ nào đó không chỉ để giao tiếp và đọc tài liệu, mà còn để cập nhật những công nghệ mới nhất. Tìm kiếm trên Google không phải lúc nào cũng cho ra kết quả bằng tiếng Việt.

THÔNG THẠO MỘT NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH TRƯỚC KHI HỌC THÊM NHỮNG NGÔN NGỮ KHÁC

Đầu tiên nên cố gắng thạo một ngôn ngữ lập trình. Khi đã thông thạo một ngôn ngữ lập trình, bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với các ngôn ngữ khác khi có ý định bổ sung kỹ năng. Nếu ôm đồm học quá nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, bạn dễ bị phân tán bởi việc phải làm quen và học thuộc quá nhiều cú pháp mới. Điều này khiến bạn khó rèn luyện cho mình tư duy logic, khả năng giải thuật và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đó mới là những kỹ năng một lập trình viên cần có.

THÀNH THẠO ÍT NHẤT MỘT CÔNG CỤ QUẢN LÝ SOURCE CODE

Nên tập sử dụng một công cụ quản lý source code (git chẳng hạn), đặc biệt là trong môi trường làm việc nhóm.

LUÔN VIẾT CODE SẠCH

Nên (PHẢI) code “sạch”. Code là không chỉ cho máy tính (và Chúa) hiểu, mà còn để người khác (và chính mình) hiểu. Code “sạch” sẽ giúp ích rất nhiều trong việc test, bảo trì, mở rộng source code… Và tất nhiên, code “sạch” còn giúp ích cho bản thân bạn nếu tương lai chính bạn là người tiếp tục làm việc với "đống" code đó.

Chia sẻ ngoài lề, khi còn là sinh viên thực tập tại TBV, mình vô cùng tâm đắc với câu nói của một anh PM (quản lý dự án) lúc đó. Xin phép được chia sẻ cùng mọi người!

“Học hỏi từ một người thành công rất dễ. Học hỏi từ một người đã thất bại mới là điều khó. Vì những người thành công, họ có con đường của riêng họ để thành công. Bạn không biết được sẽ có những khó khăn gì có thể xảy ra. Nếu học từ một người thất bại, ta biết được những khó khăn gì có thể xảy đến và điều gì có thể khiến ta thất bại. Tuy nhiên, người thất bại thì thường không được nhiều người biết đến”.

from-student-to-developer-august-2020

Cám ơn mọi người đã dành thời gian cho những chia sẻ của bạn Nguyễn Kiến Tường! TBV mong rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho những ai đang hoặc sắp sửa bước vào con đường trở thành lập trình viên! Nếu đã là một lập trình viên lâu năm và có nhiều kinh nghiệm, biết đâu khi đọc bài viết này, bạn lại có được cảm xúc bồi hồi khi nhớ lại những ngày đầu "thơ dại"!