Giới thiệu nhân viên đạt TOP 5 kỳ thi BJT

February 16, 2017

Trong các cty công nghệ thông tin(IT) Nhật Bản ở Việt Nam, ngoài các vị trí kỹ sư, quản lý dự án, còn có một vị trí thông dịch viên (Comtor).Comtor là viết tắt của từ Communicator, người có vai trò hỗ trợ dịch thuật ngôn ngữ cho các kỹ sư người Việt Nam trong dự án khi cần liên hệ, trao đổi với phía bên Nhật.
Đối với comtor, không chỉ cần có kỹ năng dịch thuật tài liệu, từ ngữ chuyên môn liên quan tới lĩnh vực IT, mà còn đòi hỏi phải biết những kỹ năng mềm khác như là kỹ năng giao tiếp với khách Nhật, kỹ năng soạn thảo mail theo phong cách Nhật... Nói tóm lại, việc sử dụng tiếng Nhật trong thương mại là một kỹ năng quan trọng không kém.
Vừa qua, Hiệp hội công thương Nhật Bản tại TPHCM đã tổ chức cuộc thi Kiểm tra năng lực tiếng Nhật trong thương mại (BJT). Và một trong số năm bạn được trao bằng khen từ phía lãnh sự quán Nhật tại TPHCM từ kỳ thi này chính là bạn Lê Thiên Vân, comtor của Techbase Việt Nam(TBV).
Bài viết kỳ này xin phép chia sẻ nội dung buổi trò chuyện với Vân.

Q1: Trước hết, xin chúc mừng Vân đã đạt thành tích cao trong kỳ thi BJT. Vân có thể giới thiệu đôi nét về thông tin kỳ thi này được không?
A1: BJT là kỳ thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Nhật chuẩn trong thương mại.
Thông qua kỳ thi này sẽ có thể đánh giá khả năng vận dụng những kiến thức về ngữ pháp, từ vựng, hán tự để xử lý các tình huống giao tiếp bằng lời nói, e-mail hoặc văn bản, hình ảnh...
Kỳ thi được tổ chức 2 lần 1 năm và thành tích sẽ được chấm theo thang điểm tối đa 800 điểm. Kết quả thi sẽ được xếp thành 6 mức độ từ J5 (thấp nhất), J4, J3, J2, J1 và J1+ (thành tích đặc biệt).
Ở các công ty, trường đại học, trường Nhật ngữ cũng sẽ sử dụng kết quả của BJT để làm tiêu chuẩn đánh giá.
Kết quả của BJT được xem như là một chỉ tiêu để tuyển dụng, đánh giá năng lực khi thăng tiến đối với người đi làm, hoặc thành tích tốt nghiệp đối với sinh viên khi ra trường.

Q2: Vân có thể cho biết cảm xúc của mình khi lọt vào TOP 5 hay không?
A2: Do đề thi khó nên mình không ngờ lại đạt được thành tích khá như vậy. Vì không biết chính xác thời gian có kết quả nên mình rất bất ngờ khi nhận được liên lạc từ Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), nơi mình được TBV cử đi học khóa luyện thi BJT 6 tuần. Họ gọi điện thông báo rằng mình lọt vào TOP 5 và sẽ đến Dinh Tổng lãnh sự Nhật Bản để nhận thưởng và bằng khen. Mình cảm thấy rất vui và may mắn khi đạt được thành tích cao, đồng thời cũng cảm ơn công ty đã tạo điều kiện cho mình được học và tiếp cận kỳ thi này để rèn giũa thêm khả năng tiếng Nhật của mình.

Q3: Vân đã mất bao nhiêu thời gian để ôn luyện cho kỳ thi BJT? Có gặp có khăn gì trong lúc học thi hay không?
A3: Như đã nêu ở trên, mình có tổng cộng 6 tuần để ôn luyện thi. Trong 6 tuần đó ngoài 2 buổi học trên lớp, cuối tuần mình cũng dành ra thêm khoảng 4 tiếng để ôn thêm. Trước khi được công ty cho đi học mình có nghe qua kỳ thi BJT nhưng không quan tâm lắm nên khi bắt đầu học thi có gặp một chút khó khăn về cấu trúc đề thi, đồng thời cũng phải ôn lại những mẫu ngữ pháp N2, N1, cách dùng kính ngữ, cũng như bổ sung thêm nhiều từ ngữ dùng trong môi trường thương mại. Ngoài ra, đối với mình cái khó nhất trong kỳ thi này là vấn đề thời gian và độ dài bài thi, 120 phút cho 100 câu trắc nghiệm. Có những câu đòi hỏi người làm phải vừa nghe câu hỏi vừa nhanh mắt đọc hết 1 văn bản để tìm câu trả lời trong vòng chưa đầy 1 phút thôi.

Q4: Theo Vân nghĩ, tiếng Nhật trong giao tiếp thông thường và tiếng Nhật trong thương mại thì có những điểm khác nhau nào?
A4: Tiếng Nhật trong giao tiếp thông thường khác với tiếng Nhật thương mại lớn nhất là ở kính ngữ. Ở những hoàn cảnh khác nhau và đối tượng khác nhau thì có những cách dùng kính ngữ khác nhau một cách chính xác, trong khi tiếng Nhật trong giao tiếp thông thường thì thoải mái hơn. Ngoài ra, ở tiếng Nhật thương mại, cách dùng từ cũng phải trang trọng hơn, kể cả ở những từ đơn giản nhất như từ "hôm nay" chẳng hạn.

Q5: Trong công việc nhất định là có nhiều tình huống cần dùng đến Tiếng Nhật trong thương mại. Có thể nhờ Vân chia sẻ thêm những khó khăn đã gặp phải trong việc sử dụng tiếng Nhật thương mại hay không?
A5: Mình thường gặp khó khăn trong việc sử dụng kính ngữ, một phần vì kính ngữ trong tiếng Nhật khá phức tạp, một phần vì tính chất công việc của mình đối nội và phiên dịch là chủ yếu, không yêu cầu khắt khe về kính ngữ nên khi cần dùng thì mình chưa phản xạ nhanh được.

Chúc Vân sẽ vận dụng tốt kiến thức tiếng Nhật thương mại để gặt hái nhiều thành công hơn trong công việc!